Răng Khôn Và Những Điều Cần Biết
- Giám đốc Nha khoa I-DENT
- 10 năm tu nghiệp tại Pháp - hơn 10.000 ca Implant thành công
Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta đã từng gặp không ít rắc rối và khó chịu khi mọc răng khôn. Vậy chiếc răng khôn này mọc ở đâu? Là răng số mấy trên cung hàm? Mọc khi nào và có nên nhổ hay không? Cùng theo dõi bài viết dưới đây để giải đáp những thắc mắc về răng khôn nhé!
1. Răng khôn là gì?
Răng khôn là tên gọi khác của răng số 8. Đây là răng hàm lớn thứ 3, nằm ở vị trí phía trong cùng của hàm, kế bên răng số 7.
Giống như các răng hàm khác, răng khôn có cấu tạo mặt nhai rộng, thân phình to và phân thành các múi. Răng khôn thường có 2 chân nếu mọc ở hàm trên và 3 chân nếu mọc ở hàm dưới. Tuy nhiên, vì nằm sâu trong cung hàm nên răng khôn hầu như không có chức năng ăn nhai gì.
Răng khôn là răng số 8, nằm ở phía trong cùng của hàm răng
Một người có bao nhiêu răng khôn? Theo lý thuyết, một người trưởng thành sẽ có đầy đủ 32 chiếc răng, trong đó có 4 chiếc răng khôn cụ thể là 2 răng khôn hàm trên và 2 răng khôn hàm dưới. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít người mọc đầy đủ hết 4 chiếc răng khôn, đa số trường hợp chỉ mọc khoảng từ 1- 3 răng khôn, thậm chí có người không hề mọc chiếc răng khôn nào.
2. Răng khôn mọc khi nào?
2.1 Độ tuổi mọc răng khôn
Răng khôn thường bắt đầu mọc trong độ tuổi từ 17 – 25 tuổi, khi chúng ta đã trưởng thành, các răng khác đã mọc đầy đủ và cấu trúc xương hàm phát triển gần như hoàn thiện. Do đó, thường không còn đủ chỗ trên hàm để răng khôn mọc lên, dễ gặp phải tình trạng răng khôn chỉ mọc được một phần hoặc mọc lệch, mọc kẹt trong xương hàm, kẹt bên dưới nướu,… gây đau nhức khó chịu và hàng loạt những biến chứng nguy hiểm khác.
Thực chất, chiếc răng số 8 được gọi là răng khôn bởi nó là răng mọc cuối cùng, khi chúng ta đã ở độ tuổi “khôn lớn”, trưởng thành, có đầy đủ trí tuệ để nhận thức được mọi thứ.
2.2 Dấu hiệu nhận biết mọc răng khôn
Khi mọc răng khôn, thông thường sẽ có xuất hiện một trong số những triệu chứng phổ biến sau đây:
- Sưng lợi
Sưng lợi là dấu hiệu thường gặp nhất khi mọc răng khôn, nguyên nhân là do răng khôn có kích thước quá to, mọc chen chúc ở dưới nướu chưa thể trồi lên và gây sưng lợi.
Việc sưng lợi khiến cho hai hàm nhai bị lệch và bạn dễ bị cắn vào lưỡi hoặc má khi ăn nhai.
- Đau nhức răng
Khi mọc răng khôn thường gây đau nhức, khó chịu ở vùng răng mọc và lan ra những vùng xung quanh. Ngoài ra, có những biểu hiện khác như hôi miệng, chảy máu và nhức đầu.
Mọc răng khôn gây ra những cơn đau nhức vô cùng khó chịu
- Sưng má
Khi răng khôn mọc lệch, ngang hoặc ngược có thể gây ra tình trạng sưng má. Nguyên nhân là do răng không có đủ không gian để mọc nên sẽ đâm vào xương hàm, gây ra sưng ở vùng dưới hàm và mặt.
- Sốt
Bạn có thể phải đối mặt với những cơn sốt do mọc răng khôn. Nguyên nhân là do cơn đau răng dữ dội và nhiễm khuẩn, gây ra việc phát sốt.
3. Những biến chứng có thể xảy ra khi mọc răng khôn
Răng khôn xuất hiện khá muộn trên cung hàm, khi những răng khác đã mọc ổn định và đảm nhận tốt các chức năng ăn nhai hay tính thẩm mỹ. Vì vậy, răng khôn hầu như là vô dụng, không có chức năng gì. Ngược lại, khi chúng mọc lệch hoặc mọc sai vị trí còn dẫn tới những biến chứng sau đây:
- Viêm nướu
Khi răng khôn mọc lên có thể làm cho mô nướu bị kích thích, sưng đỏ, thậm chí viêm nhiễm. Trường hợp nặng có thể phát triển thành viêm quanh răng, gây ảnh hưởng trên diện rộng.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng
Do răng khôn nằm ở vị trí trong cùng của hàm răng nên rất khó vệ sinh. Lâu ngày mảng bám tích tụ, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh và gây ra nhiều bệnh lý răng miệng như sâu răng, viêm quanh răng, viêm hạch vùng hàm và hậu hàm… nặng có thể gây viêm xương hàm.
Mọc răng khôn là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh lý răng miệng
- Ảnh hưởng răng kế cận
Khi răng khôn mọc lệch, đâm vào răng kế cận (răng số 7), có thể làm tiêu một phần thân và chân răng này.
- Phá hoại xương và hàm răng
Răng khôn mọc ngầm hoặc mọc lệch sang các răng có thể dẫn đến tình trạng răng lung lay, nặng hơn là tiêu xương răng.
- Gây rối loạn về phản xạ và cảm giác
Răng khôn hàm dưới mọc ngầm có thể chèn ép lên dây thần kinh, gây ra hiện tượng tê môi, da, niêm mạc, răng ở nửa cung hàm.
4. Có nên nhổ răng khôn hay không?
Để xác định răng khôn có nên nhổ hay không, bạn cần đến gặp bác sĩ để thăm khám và chụp phim X-Quang để xác định đúng hướng mọc của răng khôn và tình trạng các mô xung quanh.
Nếu răng khôn mọc thẳng, nguy cơ biến chứng thấp, có thể không cần phải nhổ. Ngược lại, khi răng khôn có dấu hiệu mọc lệch, mọc ngược, mọc ngầm, bác sĩ sẽ chỉ định nhổ răng khôn để phòng ngừa biến chứng về sau.
Bạn phải đến nha khoa thăm khám để xác định tình trạng răng khôn có nên nhổ hay không
4.1 Trường hợp nào cần nhổ bỏ răng khôn?
Bác sĩ thường khuyến khích nhổ bỏ răng khôn trong các trường hợp sau:
- Răng khôn mọc gây ra các biến chứng như sưng đau, nhiễm trùng, u nang hoặc gây ảnh hưởng xấu đến các răng kế cận.
- Răng khôn không gây biến chứng nhưng có tạo kẻ hở với răng kế bên, khoảng trống nằm giữa dễ gây nhồi nhét thức ăn, khó vệ sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây ra nhiều bệnh lý răng miệng.
- Răng khôn mọc thẳng, đúng vị trí, không bị cản trở nhưng hình dạng lại bất thường, kích thước nhỏ, dị dạng, sau này dễ gây ra sâu răng hoặc ảnh hưởng mô nha chu của răng kế cận thì nên nhổ bỏ.
- Răng khôn mọc thẳng, không bị cản trở bởi nướu và xương nhưng không có răng ăn khớp ở hàm đối diện, làm cho răng khôn trồi lên hoặc tụt xuống phía hàm đối diện, gây tổn thương nướu ở phía đối diện nên cần được nhổ bỏ.
- Khi răng khôn bị sâu nhiều hoặc bị viêm nha chu.
- Nhổ răng khôn khi cần để niềng răng chỉnh nha hoặc làm phục hình.
4.2 Độ tuổi, thời điểm nào nhổ răng khôn là tốt nhất?
Độ tuổi nhổ răng khôn thích hợp nhất là trong khoảng từ 17 – 25 tuổi, khi răng khôn chỉ mới bắt đầu mọc và chưa đóng chóp hoàn toàn. Lúc này, xương hàm cũng chưa quá cứng chắc nên sẽ dễ nhổ và đỡ gây sang chấn hơn. Bên cạnh đó, khi còn trẻ, cơ thể khỏe mạnh thì quá trình lành thương sẽ nhanh chóng và khả năng chịu đau cũng tốt hơn.
Ngược lại, càng lớn tuổi thì cấu trúc xương sẽ càng cứng chắc, chân răng bám vào xương hàm chắc chắn hơn, dẫn đến việc nhổ răng khôn sẽ khó khăn và mất nhiều thời gian hơn, đồng thời dễ bị đau nhức nhiều sau nhổ răng.
Một lưu ý nữa là bạn nên nhổ răng khôn vào buổi sáng, vì lúc này cơ thể đã được cung cấp năng lượng sau một giấc ngủ ngon. Đồng thời, trước khi nhổ răng bạn cần giữ tinh thần thoải mái để quá trình nhổ răng được diễn ra thuận lợi hơn.
Nhổ răng khôn khi vừa mới mọc sẽ ít gây đau nhức hơn
Hy vọng, những thông tin trong bài viết đã giúp bạn hiểu rõ hơn về răng khôn và có hướng xử lý khi chiếc răng này gặp vấn đề. Nếu còn bất kỳ vấn đề nào thắc mắc về răng khôn, hãy liên hệ với nha khoa I-DENT để được bác sĩ tư vấn hoàn toàn miễn phí nhé!
CHUYÊN SÂU IMPLANT DÀNH CHO NGƯỜI VIỆT
- Cơ sở 1:19V Nguyễn Hữu Cảnh, P.19, Q.Bình Thạnh, TP.Hồ Chí Minh
- Cơ sở 2:193A-195 Hùng Vương, P.9, Quận 5, TP.Hồ Chí Minh
- Cơ sở 3:83 Đường số 3 Khu dân cư Cityland, P.10, Q.Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh